Để cao tốc Bến Lức – Long Thành về đích năm 2025

Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho rằng nếu Chính phủ điều chỉnh nguồn vốn và cơ chế thì cao tốc Bến Lức – Long Thành sẽ hoàn thành vào năm 2025.

Ngày 13-3, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dẫn đầu đã thị sát dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành kiểm tra tiến độ toàn dự án. Tại đây, VEC – chủ đầu tư dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành đã kiến nghị gỡ khó cho dự án.

Dự án tạm ngưng thi công

Tại cao tốc Bến Lức – Long Thành, ông Phạm Hồng Quang, Tổng giám đốc VEC, đã báo cáo về tiến độ cũng như những khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn của dự án. Ông Quang cho biết tổng khối lượng thi công toàn bộ 11 gói thầu xây lắp của cao tốc Bến Lức – Long Thành đạt 81%.

Đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đang thị sát dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành

Cụ thể, từ đầu năm 2019, dự án đang trong quá trình thực hiện thì gặp nhiều vướng mắc về cơ chế, chính sách pháp luật, dẫn đến không được bố trí vốn để tiếp tục thực hiện đối với vốn ADB phía tây, vốn JICA và vốn đối ứng.

Dự án bị dừng, giãn tiến độ, các nhà thầu dừng thi công từ giữa năm 2019.

Một số nhà thầu đã chấm dứt hợp đồng và khởi kiện VEC ra Trung tâm Trọng tài quốc tế để yêu cầu bồi thường chi phí phát sinh. VEC đang nỗ lực xử lý hợp đồng với các nhà thầu, lựa chọn nhà thầu mới để triển khai thi công toàn bộ công trường.

Lãnh đạo VEC cũng cho rằng hiện nay chủ trương đầu tư điều chỉnh (gia hạn thời gian thực hiện dự án đến ngày 30-9-2025, gia hạn Hiệp định vay JICA đến ngày 31-12-2025) chưa được phê duyệt nên VEC chưa thể đấu thầu lại gói J3, ký phụ lục hợp đồng gia hạn thi công gói J1. Từ đó, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hai gói này nên dự kiến hoàn thành vào tháng 6-2025.

Máy móc, thiết bị phơi mưa, phơi nắng trên công trường dự án cao tốc.

Đối với đoạn 3 phía đông (sử dụng vốn ADB), VEC cho biết gói A5 cơ bản hoàn thành. Trong khi đó, gói thầu A6 và A7 có khả năng không hoàn thành trước ngày đóng Hiệp định vay ADB (ngày 31-12-2023), VEC cần bố trí vốn để tiếp tục thực hiện, thanh toán cho nhà thầu…

Cần gỡ vướng cả cơ chế, nguồn vốn

Ông Phạm Hồng Quang cho rằng hiện nay việc điều chỉnh chủ trương dự án đang gặp vướng mắc rất lớn về thủ tục pháp lý từ phía Bộ Tài chính. Trường hợp không được thông qua, dự án sẽ tiếp tục bị giãn tiến độ và cũng chưa thể xác định được thời điểm hoàn thành.

Nguyên nhân là do VEC không thể huy động được vốn vay nước ngoài cũng như tự sử dụng vốn của VEC đang quản lý để thực hiện đầu tư. VEC kiến nghị dự án này cần được tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, nguồn vốn.

Cụ thể, VEC kiến nghị Bộ Tài chính có hướng dẫn cụ thể để VEC có thể sử dụng nguồn vốn hợp pháp (sau khi tính toán đầy đủ nghĩa vụ trả nợ) để đầu tư, hoàn thành dự án.

VEC cũng kiến nghị Thủ tướng điều chỉnh thời gian thực hiện dự án đến ngày 30-9-2025. Việc này để Bộ GTVT có cơ sở phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện các hạng mục còn lại của gói thầu J3 (cầu Phước Khánh), gia hạn thời gian thực hiện cho gói J1 (cầu Bình Khánh) và gói thầu tư vấn giám sát.

Mặt khác, cho phép VEC chủ động, cân đối các nguồn vốn hợp pháp của VEC (sau khi tính toán đầy đủ nghĩa vụ trả nợ) để bố trí ngay nguồn vốn hoàn thành các hạng mục còn lại, vốn đối ứng của dự án. Đồng thời thanh toán các chi phí phát sinh hợp lý, hợp lệ mà nhà thầu khiếu nại thành công (do dự án không được bố trí vốn, phải dừng thi công kéo dài và chấm dứt hợp đồng) theo quy định của Hợp đồng FIDIC, pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế. Các chi phí này chỉ được thanh toán sau khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận và cập nhật vào tổng mức đầu tư dự án.

Về vốn đối ứng, VEC kiến nghị Bộ KH&ĐT sớm trình Chính phủ quyết định cơ chế vốn đối ứng cho dự án. Đồng thời cho phép quyết toán vốn đối ứng đã được ngân sách nhà nước cấp phát thực tế từ khi bắt đầu triển khai dự án đến hết năm 2018 (3.872 tỉ đồng).

VEC cho rằng nếu các vướng mắc sớm được tháo gỡ (dự kiến trong tháng 3 và tháng 4-2023) thì dự án sẽ hoàn thành theo tiến độ dự kiến vào ngày 30-9-2025 như đã trình Thủ tướng.

Tại công trường, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các đơn vị cần đưa ra giải pháp để đẩy nhanh tiến độ dự án, bởi hiện nay dự án đã chậm ba năm chín tháng.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính lý giải số tiền VEC đang gửi ngân hàng sẽ sử dụng ra sao, hay tiếp tục gửi tiết kiệm, trong khi dự án lại ngưng trệ.

“Các đơn vị phải đẩy nhanh thi công toàn bộ tuyến, có cách thi công tốt nhất, hoàn thành sớm nhất không? Trường hợp phải đấu thầu lại, các đơn vị cần sớm triển khai. Bộ GTVT và VEC cần phối hợp để giải quyết, sớm đưa dự án vào hoạt động, vì dự án đã chậm ba năm chín tháng rồi” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *